COPYWRITER – HỌC Ở ĐÂU & HỌC NHƯ THẾ NÀO?

Trong hệ thống Digital Marketing cần rất nhiều đến viết lách – sáng tạo nội dung, vậy nên vị trí CopyWriter là vị trí không thể thiếu. Bài viết này sẽ cho bạn biết khái niệm tổng thể về vị trí này và định hướng bạn trở thành một CopyWriter đúng nghĩa.

Copywriter là người viết những nội dung trong môi trường Marketing (Marketing copy). Ở góc độ truyền thống, có hai hướng để đi:

  • Quảng cáo (advertising): dành cho các bạn có khuynh hướng sáng tạo, viết nghiêng về Creative Concept (kịch bản sáng tạo tổng thể), thực thi các ý tưởng thành chữ cụ thể (bài quảng cáo, kịch bản TVC, kịch bản hình ảnh, slogan chiến dịch,…). Làm mảng này thì đi từ nhỏ tới lớn, làm từ thực thi đến tổng thể.
  • PR: dành cho các bạn có khuynh hướng viết báo, viết chắc chắn trong mảng này. Mảng này khó vì đòi hỏi nghiệp vụ báo chí, viết chắc tay và đa dạng.

Digital mang đến những kênh mới nên khái niệm Content Writer được mở rộng (người viết nội dung) trên các nền tảng truyền thông trực tuyến (web, social, email, display,…).

Tuy nhiên, khái niệm Advertising và PR thì không thay đổi gì, chỉ là đôi khi người làm nghề bị mù mờ với chính những gì mình làm. Ví dụ như viết copy một trang web thì cần đi từ Creative Concept đến kịch bản hình ảnh, rồi sau đó mới triển khai thành nội dung, y hệt như làm một cuốn brochure hay catalogue (giá làm một ấn phẩm sáng tạo này có khi đến vài nghìn $ hoặc cao hơn nữa).

Cũng là viết trên web nhưng nếu viết SEO (Search Engine Optimization) thì đôi khi chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng cũng là SEO nếu làm đúng thì một bài cũng vài triệu vì khó viết (kỹ thuật, kiến thức). Điều này tuỳ các bạn tự định nghĩa và lựa chọn nghề nghiệp.

Về cơ bản, không còn ranh giới giữa Marketer và Digital Marketer, cũng như giữa Advertising Copywriter và Digital Advertising Copywriter. Digital Marketing đã là một khái niệm bao gồm cả truyền thống (Traditional) lẫn kỹ thuật số (Digital).

HỌC CÁI GÌ & HỌC Ở ĐÂU ?

1. Marketing Mindset & Marketing Knowlegde

Kiến thức có thể học từ trường và sách. Trường nên là đại học chính quy về quản trị kinh doanh hoặc Marketing truyền thông. Học ở trường giúp bạn có một môi trường tốt (hệ thống bằng, cấp bậc, quy chuẩn giáo dục, giảng viên, bạn học, liên kết với các cộng đồng, tổ chức chuyên ngành).

Nếu chọn con đường này xin hãy học nghiêm túc và đàng hoàng. Kiến thức bạn có là nền tảng, đủ để không làm sai và sau này học gì cũng nhanh.

Nếu học từ sách (học tức là nghiêm túc tự tìm hiểu các khái niệm, ghi chép và tìm người giảng giải các khái niệm chứ không phải đọc kiểu cỡi ngựa xem hoa lướt lướt) thì hãy đọc các sách căn bản như nguyên lý như Principles of Marketing của Phillip Kotler.

Nếu đi nhiều về Digital thì đọc Blue Print (để hiểu quảng cáo trên Facebook nên làm gì) hay Primer (để hiểu Google khuyên làm gì). Một số sách khác cao siêu hơn thì xin hãy đọc sau khi đã qua căn bản.

Một cuốn khuyến khích nên đọc nữa là Copywriting: Successful Writing for Design, Advertising and Marketing của Mark Shaw.

(Nói chung đừng học lung tung nếu không biết mình nên học gì)

Tư duy thì khó hơn, nhưng nếu bạn là người mới thì bạn chỉ cần học một thứ thôi, lời khuyên chân thành từ mình: “Hãy đứng về phía người mình muốn giao tiếp và dẹp bỏ cái tôi để có thể viết ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu. Đừng màu mè, đừng cố tỏ ra sâu sắc, hay ho.”

3. Writing skill

Hãy học tiếng Việt thật giỏi. Làm sao để học tiếng Việt thật giỏi? Bạn có 12 năm phổ thông cho việc này, nếu học chăm xin chúc mừng bạn, nếu chưa chăm xin mời học lại.

Sách giáo khoa tiếng Việt và ngữ văn nên đọc lại để viết cho đúng ngữ pháp.

Hãy đọc nhiều sách báo, tạp chí (văn hoá, chuyên ngành, giải trí, lối sống, thời trang, kinh doanh,…) để học cách viết và bổ sung từ vựng. Đây là thói quen cần duy trì mỗi ngày trong nhiều năm trời cho đến khi bạn ngừng viết.

Hãy đọc ca dao tục ngữ để hiểu về biện pháp tu từ và học về nhạc điệu trong tiếng Việt. Đây là điểm son trong tiếng Việt và niềm tự hào của tiếng Việt.

Hãy đều đặn tập viết mỗi ngày. Ba trăm chữ, năm trăm chữ rồi một ngàn chữ hay ba ngàn chữ. Tập viết là cách để giải quyết các bế tắc về ngôn ngữ, biến từ vựng đã đọc thành của mình. Hai năm hay ba năm là một quãng đường tạm đủ để viết đỡ dở, sau đó sẽ quen và tốt dần lên.

Rảnh rỗi thì xem nhiều phim, học vài ba khoá về tư duy hình ảnh, chạy theo các dự án làm phim 48h, học vẽ tay, đọc vài cuốn tâm lý học, tìm hiểu về văn hoá, đi nhiều, ăn nhiều, chơi nhiều và học cách cư xử cho đúng.

Để viết trước tiên cứ từ mấy cái căn bản này, khỏi cần gì xa xôi. Kiến thức cần được tiếp nạp và tích lũy, kinh nghiệm cũng thế.

Điều quan trọng cuối cùng: Đừng tin mấy ông bầu, ông vua, nữ hoàng gì đó. Học xong cũng thế chẳng khá gì đâu hehe. Chúc các bạn luôn thành công khi chọn đi theo con đường CopyWriter này nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *